(TBTCO) – Ngoài việc được hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, phân khúc bất động sản công nghiệp còn nhận được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như xu hướng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, bất động sản công nghiệp đang là “đứa con cưng” của thị trường và kỳ vọng, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trong thời gian tới.
FTA giúp hút vốn vào bất động sản công nghiệp
Đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản (BĐS) đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, BĐS công nghiệp được các chuyên gia đánh giá là một trong những phân khúc vẫn có đà tăng trưởng tốt hiện nay. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục tăng qua các năm và làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc là nền tảng cho sự cất cánh của BĐS công nghiệp Việt Nam.
Một góc Khu công nghiệp Đồng Văn – tỉnh Hà Nam. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 2.100 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 32,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, sức hút của BĐS công nghiệp Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, việc tham gia vào nhiều FTA buộc Việt Nam liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở đã hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cùng với đó, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi là điểm trung chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Do đó, Việt Nam có lợi thế lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển logistics.
Ngoài ra, chi phí sản xuất ở Việt Nam là dưới 1 USD/giờ – mức thấp nhất trong ASEAN, chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia; môi trường đầu tư của Việt Nam đang nỗ lực đổi mới và ngày càng cải thiện. Những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài.
Xu hướng “Trung Quốc + 1” tạo lợi thế cho bất động sản công nghiệp
Các chuyên gia cho rằng, trong những năm tới, đặc biệt là năm 2021 và 2022, sự quan tâm trong lĩnh vực BĐS công nghiệp tiếp tục đổ dồn vào nguồn cung và chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Theo đó, xu hướng “Trung Quốc + 1” dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp. Các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm đầu tư và Việt Nam đang đứng đầu so với nhiều nước khác ngoài Trung Quốc, đây sẽ là trọng tâm lớn trong những năm tới. Về nguồn cung đất, Việt Nam đang có một số dự án hấp dẫn sẽ ra mắt vào năm tới, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc.
Một trong những cái tên điển hình sẽ giúp hút vốn FDI vào BĐS trong thời gian tới là Công ty CP đầu tư phát triển Khu công nghiệp Vinhomes sẽ lần lượt ra mắt các khu công nghiệp mới tại Hải Phòng, Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và TNI Holdings với các khu công nghiệp mới cũng mang đến nguồn cung cần thiết cho Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Ông John Campbell – Trưởng bộ phận BĐS công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục là “đứa con cưng” của ngành BĐS nói chung, với các nhu cầu ngày càng tăng và hoạt động thị trường vốn gia tăng.
Cùng với đó, chiến lược “Trung Quốc +1” chắc chắn sẽ có hiệu quả trong thời gian tới khi nhiều tập đoàn đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Điều này sẽ tăng cường việc cố gắng theo đuổi để sở hữu BĐS công nghiệp nói chung tại các khu kinh tế trọng điểm. Việc đại dịch Covid-19 kéo dài thậm chí được kỳ vọng sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là Apple Computers, Pegatron và Foxconn đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp…
Đồng thời, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện hơn cả, để các dòng vốn FDI chảy vào BĐS công nghiệp thật sự chất lượng./.